Các bác sĩ phẫu thuật ở Anh đã hoàn thành ca mổ mắt đầu tiên trên thế giới bằng robot, mở đường cho cách mạng hóa các phương thức điều trị những căn bệnh về mắt hiện nay. Ca mổ mắt nói trên được thực hiện bởi giáo sư, bác sĩ Robert MacLaren tại bệnh viện John Radcliffe ở Oxford.
Không còn nghi ngờ gì nữa khi trong tâm tưởng của tôi, rằng trong tương lai chúng ta sẽ chứng kiến những ca mổ mắt được thực hiện hoàn toàn bằng robot. Công nghệ hiện nay với máy quét laser và kính hiển vi cho phép chúng ta theo dõi những căn bệnh võng mạc mắt ở cấp độ vi mô, nhưng những gì mà chúng ta chẩn đoán được vượt ngoài giới hạn sinh lý học của bàn tay con người, cụ thể là bác sĩ, có thể thực hiện được. Với một hệ thống robot, chúng ta có thể thực hiện thành công những ca mổ mắt mà hiện nay các bác sĩ nhãn khoa chưa thể mổ được. Bác sĩ Robert cho biết.
Bệnh nhân được phẫu thuật mắt lần vừa rồi là William Beaver, 70 tuổi, một linh mục ở nhà thờ Đức Mẹ Mary Đồng Trinh ở Oxford, cho biết thị lực của ông đã hồi phục sau ca phẫu thuật vừa rồi. Trước đây, cha William bị vấn đề về mắt khiến thị giác của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nó làm ông khi nhìn một vùng trống trải sẽ có cảm giác như đang bước vô nhà kính ảo giác với hàng trăm chiếc gương soi khác nhau.
Nguyên nhân gây ra vấn đề thị giác này được chẩn đoán là phía trước võng mạc (không phải bên ngoài giác mạc) của cha William có “mọc” ra một lớp màn cực mỏng, chỉ khoảng 1/100mm, nó làm giảm thị thực, khiến con mắt bị sinh ra ảo giác khi nhìn. Với độ mỏng siêu nhỏ của lớp màn này, đôi tay của các bác sĩ nhãn khoa không thể nào có thể gắp nó ra được mà chỉ có thể nhờ tới sự chính xác tuyệt đối của máy móc, mới không làm tổn thương tới bên trong con mắt của người bệnh.
Trước đây, với những ca mổ mắt tương tự, khi bước vào các ca phẫu thuật thì bác sĩ nhãn khoa phải thật bình tĩnh để hạ nhịp tim của bản thân xuống mức ổn định, sau đó mỗi cử động của đôi tay phải được “đồng bộ” với nhịp tim, vì mỗi nhịp tim đập cũng sẽ gây ra một xung động nhỏ đủ làm rung tay, dù chỉ 1 phần ngàn milimét cũng đủ gây ra tổn thương cho mắt của bệnh nhân.
Với robot thì khác, nó không có tim đập nên những cánh tay máy của nó sẽ không bị rung, tức là độ chính xác sẽ cao hơn. Nhờ công nghệ mới này, robot phẫu thuật mắt có thể thực hiện những ca mổ mắt cấp vi mô mà hiện nay đôi tay của các bác sĩ không thể thực hiện được.
Trong ca mổ, bác sĩ thực hiện sẽ sử dụng cần joystick và màn hình cảm ứng để điều khiển cánh tay robot nhằm chỉ đạo ca mổ mắt cho bệnh nhân, thông qua kính hiển vi phóng đại, bác sĩ có thể theo dõi được những chuyển động nhỏ nhất của dao mổ để thực hiện chính xác nhất.
Hiện tại trong giai đoạn thử nghiệm, robot phẫu thuật mắt này sẽ thực hiện 12 ca mổ mắt cho bệnh nhân. Ban đầu, nó sẽ giúp bác sĩ gỡ bỏ lớp màn mỏng bao phủ võng mạc mắt của bệnh nhân mà không làm tổn thương tới mắt của người bệnh, giống như tình trạng của cha William Beaver. Nếu giai đoạn 1 thành công, giai đoạn 2 các bác sĩ sẽ thử nghiệm việc robot phẫu thuật mắt sử dụng kim để bơm chất lỏng vào bên trong giác mạc mắt của bệnh nhân.
Trong tương lai, họ hy vọng thế hệ robot phẫu thuật mắt này có thể giúp các bác sĩ nhãn khoa chữa được bệnh mù mắt cho bệnh nhân thông qua các liệu pháp gen, vốn được y học hiện đại theo đuổi suốt hàng trăm năm nay.
Theo Theguardian