Chụp cắt lớp võng mạc, phẫu thuật Femto LASIK sử dụng tia laser femtosecond để tạo vạt giác mạc, không cần dao mổ là một vài trong số những tiến bộ nhãn khoa tại BV Mắt TW.
Chụp cắt lớp quang học (OCT)
Những năm 80 của thế kỷ trước con người đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh với hệ thống CT scanner, MRI, PET CT, chụp mạch kỹ thuật số… Ngành nhãn khoa cũng được hưởng lợi ngay những thành tựu này nhưng ở cấp độ tinh vi hơn hẳn, đó là hệ thống chụp cắt lớp dạng 2 ứng dụng: OCT bán phần trước và OCT bán phần sau.
Những lợi ích của OCT bán phần sau:
Chụp cắt lớp võng mạc bằng OCT giúp các bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán sớm, chính xác và theo dõi diễn biến bệnh trong suốt quá trình điều trị. OCT sử dụng nguyên lý ánh sáng, không đau, không chảy máu nên có thể thực hiện nhiều lần trên một bệnh nhân, phương pháp này không tiếp xúc trực tiếp với mắt nên không gây bất kỳ biến chứng nào cũng như sự khó chịu cho người bệnh.
OCT bán phần sau giúp ta dựng lại các cấu trúc, nghiên cứu và đo đạc các thành phần giải phẫu: trước võng mạc, trên võng mạc, trong võng mạc, dưới võng mạc.
Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP), bệnh võng mạc đái tháo đường, hai bệnh lý gây mù lòa hàng đầu trên trẻ em và người già, nhờ có OCT đã có thể chẩn đoán được hình thái, nguyên nhân, lên phương án điều trị. Đối với bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, OCT có thể cho thấy được dịch tích tụ giữa lớp thần kinh cảm thụ và lớp biểu mô sắc tố của võng mạc, đo được kích thước của khối dịch. Ngoài ra, còn có thể xác định vị trí của điểm dò qua vị trí tổn hại hoặc bong lớp biểu mô sắc tố. Trong bệnh lỗ hoàng điểm, OCT xác định có lỗ hoàng điểm, đo được kích thước của lỗ hoàng điểm, có thể thấy được co kéo dịch kính võng mạc gây ra lỗ hoàng điểm và chiều dày võng mạc vùng xung quanh lỗ hoàng điểm… OCT còn ứng dụng trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh gai thị, đặc biệt là đánh giá mức độ tổn thương gai thị trong bệnh lý glôcôm.
Chiều dày lớp sợi thần kinh quanh gai thị bị tổn hại trong bệnh glôcôm.
Lợi ích của OCT bán phần trước:
Máy OCT bán phần trước là dạng máy chụp cắt lớp sử dụng tia hồng ngoại, cho phép các bác sĩ có thể khảo sát các vùng tổ chức đặc biệt mà các dạng máy móc khác không thể khảo sát được như: vùng chân mống mắt, góc tiền phòng, các vùng bị che lấp bởi sẹo giác mạc, màng xuất tiết viêm,…
OCT bán phần trước phục vụ đắc lực cho chẩn đoán, điều trị, theo dõi các lĩnh vực: bệnh lý và phẫu thuật giác mạc, phẫu thuật khúc xạ; bệnh bán phần trước, bệnh glôcôm; chẩn đoán và đánh giá phẫu thuật đục thể thủy tinh…
Cả hai hệ thống OCT bán phần sau và trước hiện đang có mặt tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Mắt Trung ương, phục vụ hàng ngàn lượt bệnh nhân trên khắp cả nước.
Femtosecond Laser – Bước tiến mới trong phẫu thuật khúc xạ
Từ năm 2005, trên thế giới đã xuất hiện công nghệ Femtosecond Laser. Phẫu thuật Femto LASIK sử dụng tia laser femtosecond để tạo vạt giác mạc, không cần dao mổ. Chính vì vậy, người ta thường gọi phẫu thuật này là bladeless LASIK, nói cách khác, phẫu thuật LASIK không dao. Trong mổ LASIK không dao, vạt giác mạc có độ dày ổn định và đồng đều, giúp loại bỏ hoàn toàn các biến chứng thường gặp trong cắt vạt bằng dao thường, tăng tính an toàn trong phẫu thuật.
Ưu điểm quan trọng nhất của phẫu thuật Femto LASIK là loại bỏ biến chứng trong và sau mổ với thời gian phục hồi nhanh, ít tác dụng phụ và không bị viêm nhiễm. Ngay sau khi mổ, bệnh nhân có thể nhìn rõ và sinh hoạt bình thường.
Với Relex Smile (Small Incision Lenticule Extraction), tật khúc xạ được điều trị chỉ bằng một hệ thống Femtosecond Laser duy nhất. Với những ưu điểm vượt trội như vết thương nhỏ, ít khó chịu, không có biến chứng do vạt, giảm khô mắt và ít ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, Relex Smile là xu hướng mới trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng Laser Femtosecond khác với phương pháp phẫu thuật truyền thống như thế nào?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng Laser Femtosecond có khả năng làm gia tăng hơn nữa tính chính xác, an toàn và hiệu quả cao hơn so với phương pháp phẫu thuật phaco (sử dụng bằng sóng siêu âm). Giảm nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng hậu phẫu, đặc biệt với những ca khó, phức tạp. Phẫu thuật dự đoán nhiều hơn bằng cách sử dụng laser để thực hiện một số các bước trong phẫu thuật. Tránh làm phẳng giác mạc và gây áp lực lên mắt, ngăn chặn hiện tượng blackout trong quá trình laser. Chức năng chụp cắt lớp võng mạc của máy laser cho phép phẫu thuật viên kiểm soát tốt hơn thực trạng của mắt trong suốt quá trình phẫu thuật, làm tăng thêm độ an toàn cho bệnh nhân.
Kỹ thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng laser làm giảm năng lượng sóng siêu âm thường được sử dụng trong phương pháp Phaco, giảm nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng hậu phẫu và tổn thương giác mạc. Khả năng làm giảm nguy cơ rách bao và các biến chứng phẫu thuật trong khi phẫu thuật đục thủy tinh thể.
BS. Hoàng Cương