Không chạm” không có nghĩa là không chạm và không đau.
Gần đây, ở Việt Nam lại mới xuất hiện thêm một loại hình phẫu thuật mới, được nhiều người quan tâm. Có tên gọi là SmartSurfACE, phương pháp này được mệnh danh là “phẫu thuật mắt mà không cần chạm vào mắt”.
Nghe là vậy, nhưng sự kì diệu trong phương pháp mổ SmartSurfACE đến từ đâu? Liệu những điều bạn tưởng tượng khi thoạt nghe về “phẫu thuật mắt không chạm” có đúng là sự thật? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu:
Tại sao phẫu thuật mắt nhưng không cần “chạm” vào mắt?
Không chạm, “touch-free” hay “no touch” là những từ dùng để miêu tả một loại hình phẫu thuật điều trị tật khúc xạ mắt. Trong đó, các bác sĩ chỉ sử dụng duy nhất một tác nhân là tia laser, tác động lên bề mặt phía ngoài của giác mạc.
Trong khi, một cú chạm được định nghĩa là khi hai bề mặt của hai vật tiếp xúc với nhau. Bản thân tia laser không có bề mặt nào như dao mổ. Cho nên, phẫu thuật chỉ sử dụng tia laser, theo nghĩa đen, hiển nhiên là một phẫu thuật “không thể chạm”.
Loại hình phẫu thuật này phân biệt với một dạng phẫu thuật mắt khác là thủ tục “flap”. Trong đó, ngoài tia laser thường đòi hỏi thêm dụng cụ phẫu thuật (dao, kẹp nhíp…), để thao tác (cắt, nạo, gạt…) lên bề mặt và cả phía chất nền trong giác mạc.
Một phương pháp phẫu thuật mắt phổ biến, LASIK thuộc nhóm thủ tục “flap”, trong đó các bác sĩ dùng dao vi phẫu hoặc tia laser (với Femto LASIK và SMILE LASIK) cắt một vạt gần tròn trên giác mạc, chỉ chừa lại duy nhất một bản lề.
Sau đó, họ tạm lật vạt tròn sang một bên như một chiếc nắp (flap), cho phép tia laser đi vào bào mòn phần bên trong giác mạc, nhờ đó, khắc phục các tật về mắt như cận, viễn, loại thị. Khi laser kết thúc công việc, vạt tròn được lật về vị trí cũ, nhưng vết cắt thì không cần phải khâu lại.
Khác với phẫu thuật LASIK, SmartSurfACE là một công nghệ thuộc nhóm thao tác bề mặt và “không chạm”. Về cơ bản, nó là một trong những công nghệ cải tiến từ kỹ thuật mổ mắt TransPRK (Transepithelial photorefractive keratectomy).
Phát triển bởi hãng SCHWIND, một công ty kỹ thuật y sinh của CHLB Đức, SmartSurfACE được đánh giá là phương pháp TransPRK tốt nhất hiện nay.
Không dao mổ và “không chạm”, SmartSurfACE chỉ sử dụng một công cụ duy nhất là tia laser để tạo xâm lấn nhẹ theo chiều dày giác mạc. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với những người có giác mạc mỏng.
Lí do vì khi giác mạc mỏng, việc sử dụng mọi phương pháp LASIK đều cho rủi ro lớn, kỹ thuật này đòi hỏi can thiệp sâu vào lớp nhu mô giác mạc. Các bác sĩ lúc này thường tư vấn cho bệnh nhân chuyển sang các phẫu thuật dạng TransPRK.
Trong một ca mổ TransPRK cũng như SmartSurfACE, mọi thứ sẽ diễn ra chỉ trong vòng vài phút. Một chùm tia laser được chiếu trên bề mặt biểu mô giác mạc. Nó bắn phá cùng lúc biểu mô và sâu dần vào chất nền giác mạc.
Mục đích của quá trình bắn phá này là đạt tới một tạo hình giác mạc mới. Nó phải được tính toán rất kỹ trên mô hình máy tính, dựa vào các thông số tật khúc xạ của người bệnh. Làm sao để tạo hình này đóng vai trò như một thấu kính điều chỉnh lại ánh sáng, hội tụ đúng võng mạc và cho ảnh rõ nét trở lại với từng trường hợp người cận thị, viễn thị, cũng như loạn thị.
Trong khi phần chất nền phía dưới biểu mô được định hình vĩnh viễn sau phẫu thuật, biểu mô giác mạc có một tính chất kỳ diệu. Nó có thể được tái sinh chỉ sau một vài ngày. Lí do vì ngay rìa giác mạc lúc nào cũng dự trữ sẵn các tế bào gốc. Các tế bào gốc sẽ biến thành tế bào biểu mô và thay thế vị trí của chúng sau khi bị laser phá hủy.
Quá trình mất thời gian, bởi vậy cuối ca phẫu thuật TransPRK, các bác sĩ sẽ tạm đậy một kính áp tròng lên lớp biểu mô hổng. Bệnh nhân sẽ phải chờ khoảng 5-7 ngày cho biểu mô lành lại trước khi họ được phép gỡ bỏ kính áp tròng.
Lợi và hại của phẫu thuật “không chạm”
So với các loại hình phẫu thuật LASIK, TransPRK “không chạm” có thời gian thực hiện nhanh hơn. Trong trường hợp SmartSurfACE, đó là 2 phút so với 5-10 phút của LASIK.
Bởi chỉ dùng một laser và một thao tác cắt gọt duy nhất, các bác sĩ tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc dùng dao mổ, can thiệp vào giác mạc bệnh nhân, tạo vạt rồi lại phải đậy nó lại. Cũng có thể nói rằng TransPRK ít xâm lấn hơn LASIK truyền thống, nhưng việc này chủ yếu đến từ việc lớp biểu mô giác mạc có thể tái sinh.
Một lợi thế khác, không chạm và không tạo vạt khiến TransPRK loại bỏ được một số biến chứng liên quan đến vạt giác mạc. Ví dụ như nhiễm trùng, nhăn hoặc bong vạt nhãn mạc. Những người hay chơi các môn thể thao vận động mạnh có lẽ nên sử dụng phương pháp TransPRK không chạm để tránh bong vạt nhãn mạc sau này.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên TransPRK có rất nhiều điểm hạn chế khiến nó không vượt mặt được LASIK. Một thực tế khó chối cãi, phương pháp này phá hủy một diện tích lớn biểu mô giác mạc. Mặc dù là phẫu thuật không dùng dao và “không chạm”, TransPRK lại khiến bệnh nhân đau hơn, có khi phải dùng đến thuốc giảm đau.
Thực tế là trong phẫu thuật TransPRK, biểu mô bị phá hủy khiến bệnh nhân phải chờ đợi thời gian dài hơn để bình phục. Trung bình, nó sẽ mất khoảng từ 1-3 tháng sau phẫu thuật, so với 1 tháng của các phẫu thuật LASIK.
Người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng nhìn mờ trong khoảng 3-7 ngày đầu. Thuốc nhỏ mắt phải được sử dụng trong 3 tháng để tránh khô mắt và nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường phải đeo kính bảo vệ mắt trong nhiều trường hợp.
Tuy nhiên, đó chỉ là những hạn chế trong thời gian ngắn. Xét trên dài hạn, phẫu thuật TransPRK và LASIK được các chuyên gia đánh giá là hiệu quả ngang nhau.
SmartsurfACE: phương pháp TransPRK tốt nhất hiện tại
Những nguyên mẫu đầu tiên của phẫu thuật TransPRK được thực hiện từ năm 1978. Tuy nhiên, vì những hạn chế của công nghệ laser và nhiều điểm yếu kể trên mà TransPRK không được phổ biến như LASIK.
Để khắc phục những điểm yếu, và làm sống dậy phương pháp phẫu thuật đã gần 40 năm tuổi này, hãng SCHWIND đã tìm cách để cải tiến công nghệ chiếu laser trong quá trình phẫu thuật TransPRK. Họ đã sáng tạo ra SmartSurfACE, bằng cách áp dụng nguyên lý cơ bản của TransPRK, kết hợp với một công nghệ xung thông minh gọi là SmartPulse.
Sử dụng hệ máy Amaris 1050RS của Đức, SmartSurfACE chiếu các tia laser ở tần số 1050 Hz bắn phá bề mặt ngoài giác mạc, hệt như bất kể một phương pháp TransPRK nào khác. Tuy nhiên, điểm khác là thuật toán của SmartPulse có khả năng tối ưu hóa vị trí của mỗi điểm laser bắn phá trên giác mạc.
Nó giúp quá trình phẫu thuật nhanh hơn, bề mặt cắt giác mạc mịn hơn so với TransPRK thường. Cả hai nhân tố này góp phần vào việc tăng độ an toàn và tốc độ tái tạo biểu mô. Phẫu thuật SmartSurfACE cũng hạn chế được sự khó chịu cho mắt.
Theo nhà sản xuất SCHWIND, phẫu thuật SmartSurfACE với máy Amaris 1050RS có thể tăng thời gian hồi phục hậu phẫu ngang mức phẫu thuật LASIK. Nghĩa là bệnh nhân có thể ngay lập tức lấy lại được tầm nhìn sau khi rời khỏi phòng phẫu thuật.
SmartSurfACE được đánh giá vượt trội hẳn so với các phương pháp TransPRK truyền thống. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ tồn tại các điểm yếu cơ bản như: phá hủy một diện tích lớn giác mạc gây đau, thời gian phục hồi chậm và cần bảo vệ mắt cẩn thận, trong quá trình biểu bì giác mạc chưa lành lại.
Tóm lại
Có thể thấy sự không ngừng cải tiến của các phương pháp phẫu thuật mắt là một điều đáng khích lệ. Trải qua hơn 1 thế kỷ trong lĩnh vực này, nhiều công nghệ phẫu thuật mắt hàng đầu đang tiệm cận đến cùng một mức độ hiệu quả. Điều này vô tình gây khó khăn cho người bệnh trong việc lựa chọn.
Chẳng hạn, riêng trường hợp so sánh phẫu thuật SmartSurfACE và các công nghệ LASIK, mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, thuật ngữ “không chạm” của SmartSurfACE lại dễ gây hiểu lầm.
“Không chạm” không có nghĩa là trong suốt quá trình phẫu thuật SmartSurfACE, các bác sĩ không chạm gì vào mắt bạn. Sự thật là trong quá trình chuẩn bị, họ vẫn sẽ phun dung dịch vào mắt bạn, dùng một kẹp mỏ vịt để banh mí mắt của bạn, lau bề mặt giác mạc và đậy nó với một kính áp tròng.
“Không chạm” hóa ra cũng không có nghĩa là không đau và có lợi thế hoàn toàn so với phẫu thuật sử dụng nhiều dụng cụ can thiệp giác mạc như LASIK.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật không chạm là nó tạo xâm lấn ít hơn tới giác mạc, độ chính xác và hiệu quả tương đương phẫu thuật LASIK, nhưng giá thành rẻ hơn. Không tạo vạt giác mạc khiến phẫu thuật không chạm loại bỏ hoàn toàn các biến chứng về bong, lệch hay sẹo vạt giác mạc.
Nhược điểm của phẫu thuật không chạm là nó phá hủy diện tích lớn biểu mô giác mạc, gây đau mặc dù không đáng kể và biểu mô giác mạc sẽ tự lành lại. Bên cạnh đó, phẫu thuật không chạm khiến bệnh nhân mất thời gian lâu hơn trong quá trình hồi phục.
Với các đặc điểm kể trên, phẫu thuật không chạm như SmartsurfACE đặc biệt phù hợp với những người có giác mạc mỏng, vận động mạnh và hay chơi thể thao, những người có thể phải chịu phần nhiều rủi ro liên quan đến vạt giác mạc.
Nó cũng phù hợp với những người đã từng phẫu thuật mắt trước đó, và thường được áp dụng như một biện pháp bổ sung nếu phẫu thuật LASIK không cho hiệu quả mong muốn.
Thế còn với những trường hợp khác, người bệnh vẫn sẽ phải cân nhắc giữa các ưu điểm và nhược điểm của SmartsurfACE. Các chuyên gia nhận định rằng, phương pháp phẫu thuật mắt “không chạm” này có khả năng cạnh tranh, nhưng chắc chắn chưa thể vượt mặt các phương pháp LASIK tiên tiến hiện thời.
Tại Việt Nam, các loại hình phẫu thuật LASIK từ lâu đã trở nên khá phổ biến. Ngược lại, công nghệ phẫu thuật SmartsurfACE chỉ mới vừa được giới thiệu lần đầu tại Hà Nội vào cuối năm 2016.
Tháng 2/2017 bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa công nghệ phẫu thuật SmartsurfACE vào ứng dụng. Theo đó, mới chỉ có hơn 10 bệnh nhân tại TP. HCM được thực hiện phẫu thuật bằng công nghệ không chạm mới này.
Trong so sánh về chi phí tham khảo, giá phẫu thuật SmartsurfACE tương đối rẻ (khoảng 20 triệu/2 mắt). Mức giá này đắt hơn phẫu thuật LASIK thông thường (khoảng 14 triệu/2 mắt) có vạt giác mạc, nhưng rẻ hơn nhiều phẫu thuật SMILE LASIK (khoảng 70 triệu/ 2 mắt) không vạt giác mạc.