Một nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Illinois và Trường Y Harvard/Massachusetts Eye & Ear đã vừa phát triển thành công một thiết bị đặc biết để thay thế thuốc nhỏ mắt làm giãn đồng tử, đó là một loại máy ảnh có khả năng quét võng mạc.
Người bệnh khi đi khám mắt thường được yêu cầu nhỏ một loại thuốc có tác dụng làm giãn đồng tử. Loại thuốc này thường gây cảm giác đau nhói ở mắt và đặc biệt phải mất một thời gian ngắn thuốc mới phát huy tác dụng. Thậm chí, mắt người bệnh bị mờ trong suốt nhiều giờ sau khi nhỏ thuốc, khiến họ cảm thấy khó chịu và bất tiện. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Illinois và Trường Y Harvard/Massachusetts Eye & Ear đã vừa phát triển thành công một thiết bị đặc biết để thay thế thuốc nhỏ mắt làm giãn đồng tử, đó là một loại máy ảnh có khả năng quét võng mạc.
Thông thường, khi đi khám mắt, bệnh nhân trước hết sẽ được yêu cầu nhỏ một loại thuốc nhỏ mắt làm giãn đồng tử để giữ cho mắt luôn mở to và có thể nhìn lâu vào một điểm cố định, từ đó, bác sĩ nhãn khoa có thể dễ dàng quan sát võng mạc. Trong trường hợp nếu không được nhỏ thuốc, khi muốn quan sát võng mạc, các cơ trong mống mắt sẽ co lại, khiến đồng tử đóng lại khi mắt tiếp xúc với một nguồn ánh sáng mạnh.
Loại máy ảnh mới có thiết kế giúp khắc phục những hạn chế của thuốc nhỏ mắt làm giãn đồng tử, hoạt động bằng cách chiếu chùm tia ánh sáng hồng ngoại hướng thẳng vào võng mạc của bệnh nhân. Vì mống mắt không phản ứng với ánh sáng hồng ngoại nên đồng tử vẫn mở, do đó, máy ảnh có thể dễ dàng chụp lại hình ảnh mắt bệnh nhân bằng một đèn flash trắng.
Mặc dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy ảnh khác tương tự cũng hoạt động bằng cách sử dụng chùm ánh sáng hồng ngoại hoặc ánh sáng trắng để quét mắt nhưng giá thành của chúng lại tương đối cao. Trong khi đó, thiết bị mới được đánh giá là có thiết kế nhỏ xinh, vừa đủ để có thể đựng trong túi, mang theo người và được sản xuất cùng với những linh kiện bao gồm máy vi tính Raspberry Pi 2, máy ảnh hồng ngoại có giá thành phải chăng, màn hình LCD, đèn LED hồng ngoại và ánh sáng trắng, tổng chi phí cho sản phẩm ước tính là khoảng 185 USD.
TS. Bailey Shen của U Illinois cho biết: “Hiện thiết bị mới chỉ là một nguyên mẫu thử nghiệm, nhưng thiết kế mới cho thấy việc chế tạo và phát triển loại máy ảnh với giá thành phải chăng có khả năng chụp ảnh võng mạc hiệu quả mà không cần sử dụng thuốc giãn đồng tử là hoàn toàn khả thi. Trong tương lai gần, có thể thiết bị đặc biệt này hay một vật gì đó tương tự sẽ là một vật dụng không thể thiếu đối với bác sĩ nhãn khoa cũng như các bác sĩ chuyên ngành khác”.
Shen và đồng tác giả là TS. Shizuo Mukai đã mô tả chi tiết việc chế tạo và phát triển loại máy ảnh mã nguồn mở trong bài báo mới đây được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa.