Nhiều thông tin quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, qua các tờ rơi được ‘ấn” tận tay phụ huynh ở cổng các trường học rằng xoa bóp, bấm huyệt, tập yoga… sẽ chữa khỏi cận thị và các tật khúc xạ khác như viễn thị, loạn thị (thậm chí cả lác). Các bác sỹ nhãn khoa khẳng định “đừng bỏ tiền để họ làm hỏng mắt con bạn”.
Các trung tâm “lách luật” như thế nào?
– Thành lập trung tâm dưới dạng tập yoga, đương nhiên tập thể dục thì không ai cấm và họ sẽ đưa thêm hạng mục các bài tập cho mắt và nói với quý vị rằng các bài tập đó có thể giúp hồi phục thị lực hoặc cải thiện thị lực một cách tự nhiên
– Lập trung tâm trái phép, không đăng ký và thẩm định chuyên môn bởi các chuyên gia nhãn khoa và quản lý chính quyền có liên quan tới vấn đề trị liệu, ở đây là sở y tế các địa phương.
Và họ làm hỏng mắt con bạn như thế nào?
– Những người hướng dẫn tập luyện không có kiến thức chuyên môn về khúc xạ, đặc biệt lĩnh vực Khúc xạ Nhi khoa là một mảng rất khó ngay cả đối với các bác sĩ Nhãn khoa.
– Họ không thể khám được con bạn bị loại tật khúc xạ gì.
– Mỗi loại tật khúc xạ đều có những cơ chế bệnh lý khác nhau nhưng họ đánh đồng là giống nhau và cho tập các bài tập giống nhau đối với tất cả các loại tật khúc xạ.
– Những bệnh nhân bị viễn thị số cao cần phải đeo kính để tránh co quắp điều tiết, nhức mỏi mắt, lác mắt, nhược thị nhưng họ lại cho con bạn tháo kính để tập nhìn sẽ khiến con bạn sớm rơi vào tình trạng bệnh lý như đã kể trên.
– Những bệnh nhân chênh lệch khúc xạ, lác, nhược thị cần phải đeo kính để lập lại cân bằng thị giác nhưng họ khuyên con bạn bỏ kính ra để tập, sẽ khiến con bạn mất cân bằng thị giác hai mắt và sẽ quay lại tình trạng lác và nhược thị.
– Những bệnh nhân cận thị cần đeo kính để nhìn rõ hơn và mắt có thể điều tiết bình thường, nhưng họ khuyên con bạn tháo kính ra để tập luyện sẽ khiến mắt dần buông lỏng chức năng điều tiết và độ cận thị sẽ tang nhanh hơn.
– Họ không có khả năng loại trừ cận thị giả – Một loại co quắp điều tiết có thể tự hồi phục khi mắt được nghỉ ngơi, họ bắt con bạn tập và họ tự nhận đó là công của họ.
Các tật khúc xạ thực sự có thể hồi phục thị lực tự nhiên bằng tập luyện được không?
Câu trả lời của các bác sỹ nhãn khoa là không!
Các tật khúc xạ hình thành là do sự bất thường cấu trúc nhãn cầu như chiều dài nhãn cầu dài, ngắn quá mức bình thường, bề mặt giác mạc không đều, cong dẹt quá mức bình thường, đục thể thủy tinh. Vậy muốn điều trị cần phải tác động để thay đổi lại các cấu trúc này vì thế không có phương pháp tập luyện nào khiến các cấu trúc này thay đổi.
Nguồn: https://ytenews.com/