Hiểu đúng về chắp và lẹo mắt

Chắp hoặc lẹo mắt là những biểu hiện của viêm mi mắt mạn tính. Nếu không được điều trị đúng cách, có thể gây nhiễm trùng bên trong mắt.

ThS.BS Nguyễn Duy Bích – Khoa Mắt (Bệnh viện E Trung ương) cho biết, mi mắt là bộ phận che chắn và bảo vệ nhãn cầu, thế nhưng bản thân chúng lại bị nhiều tác nhân gây bệnh tấn công. Vì vậy, các bệnh nhiễm trùng và viêm tại chỗ của mi mắt cũng rất đa dạng. Chắp hoặc lẹo mắt là những biểu hiện của viêm mi mắt mạn tính.

Theo BS Nguyễn Duy Bích, trong số chúng ta, hầu như ai cũng đã từng bị lên chắp, lên lẹo ở mắt. Tỷ lệ mắc nhóm bệnh này không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan xem thường khi bị mọc chắp hoặc lẹo.

Mặc dù, không gây mù lòa, không gây chết người, thế nhưng những khó chịu mà chúng gây ra cho bệnh nhân lại không thể xem thường. Hơn nữa, nhiều người còn tự mua thuốc hoặc mách bảo nhau các biện pháp chữa trị theo dân gian khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

Để giúp người dân phân biệt rõ về chắp và lẹo mắt, BS Bích phân tích: “Chắp là một khối u lành tính trên mi. Chắp chính là vùng sưng phồng xuất hiện ngay trên vùng bị tắc nghẽn các ống tuyến Meibomius. Trên lâm sàng, chắp biểu hiện như một khối tròn nhỏ, sưng đỏ. Vị trí thường ở ngay sát bờ tự do của mi. Chắp có 3 hình thái lâm sàng là ở phía trong, ở phía ngoài và ngay trên bờ tự do. Tiến triển của chắp có thể theo nhiều hình thức như: nang hoá, gây khó chịu cho mắt và bắt buộc phải chích tháo mủ; hoá mủ và áp-xe hoá; tự vỡ mủ hoặc chảy mủ ra ngoài và tự khỏi.

Còn lẹo là hiện tượng viêm cấp của tuyến bã quanh chân lông mi – tuyến Zeiss, tuyến lệ phụ ở chân các lông mi hướng ra phía bờ mi – tuyến Moll. Nguyên nhân thường do tụ cầu. Ban đầu chỉ là phù mi rồi xuất hiện một ổ sưng, đỏ và rất đau khi chạm vào. Sau vài ngày cảm giác đau sẽ trở thành cảm giác nhức buốt kèm theo sự hoá mủ vàng tại chân lông mi. Những khó chịu này sẽ biến mất nếu lẹo vỡ mủ và thoát ra ngoài cùng với lông mi”.

BS Nguyễn Duy Bích cho biết, có nhiều yếu tố khiến mắt bị lên chắp hoặc mọc lẹo như vệ sinh mắt không đảm bảo hay bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh trong các vật dụng hàng ngày như khăn mặt, khăn mùi xoa. Cũng có thể là các yếu tố môi trường: Bụi, ô nhiễm, sử dụng máy điều hòa, hay các yếu tố bất lợi tại mắt sẵn có như khô mắt, đái tháo đường, vẩy nến…

Với những người bị lên chắp ở mắt, phương pháp điều trị thường là chườm nóng, dùng kháng sinh kết hợp với corticoide tại chỗ trong 7 ngày. Có tới 50% các trường hợp phải giải quyết bằng thủ thuật ngoại khoa, khi chắp đã ở giai đoạn “nguội” ngoài giai đoạn viêm cấp.

Còn trường hợp lẹo mắt, bệnh nhân cũng được chỉ định điều trị bằng chườm nóng, mỡ kháng sinh có phối hợp với corticoide trong 48h đầu. Sau đó chỉ định chích tháo mủ sẽ được xem xét. Những trường hợp nặng có phù nề mạnh, phản ứng viêm hạch lân cận thì bắt buộc phải dùng kháng sinh đường uống.

Theo BS Nguyễn Duy Bích, chắp và lẹo sẽ không gây nguy hiểm cho mắt nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, BS cũng lưu ý, không nên chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.

Nguồn: GiadinhNet

Bài Viết Liên Quan